Hê lu, chào mừng các bạn đã quay lại với chuyên mục “blogging with Bin”. Trong bài blog lần này, tụi mình muốn nói với các bạn về một cơ chế tiếp mực trên bút máy, đó là cơ chế piston (piston filling mechanism). Bởi cũng như nhiều bạn, hồi đó khi mới tìm hiểu về bút máy, Cabin cũng không khỏi có những câu hỏi như làm sao để bơm mực vào bút. Hay cách vệ sinh bút dùng piston như thế nào. Và bút dùng piston thì khác gì với bút dùng ống mực và converter nhỉ. Nên giờ các bạn cùng tìm hiểu cơ chế piston này với Bin nha.
A. Đôi nét về lịch sử cơ chế tiếp mực trên bút máy
Để bắt đầu, trước tiên chúng ta sẽ cùng quay ngược lại để tìm hiểu một chút về lịch sử của cơ chế tiếp mực trên bút máy nhen.
Năm 1827, nhà phát minh người Rumani Petrache Poenaru đã nhận được bằng sáng chế cho dụng cụ viết được xem như là chiếc bút máy đầu tiên. Với những chiếc bút máy thời kỳ đầu tiếp đó, mực sẽ được đổ trực tiếp vào thân bằng cơ chế eyedropper (mà hiện tại chúng ta vẫn thấy xuất hiện trên nhiều chiếc bút máy, như các dòng bút của hãng Opus 88). Dẫu vậy, việc bơm mực vào những chiếc bút thế này vẫn khá lộn xộn và bút còn thường bị rò rỉ mực nữa. Sau này, chúng được thay thế bằng những chiếc bút dùng cơ chế “self filler” – trong thân bút sẽ có một ống cao su (rubber sac) để chứa mực.



Thế kỷ tiếp theo chứng kiến sự ra đời của một loạt các cơ chế bơm mực khác nhau để khắc phục nhược điểm trên những người tiền nhiệm của mình như dung tích nhỏ và dễ rò rỉ mực. Và vào năm 1923, kỹ sư người Hungary Theodor Kovacs đã phát minh ra cơ chế bơm mực piston. Nhưng phải đến năm 1929, cơ chế này mới được áp dụng lần đầu tiên trên chiếc bút Pelikan 100. Đây cũng là chiếc bút đánh dấu sự bước chân của Pelikan vào ngành bút máy.
B. Giải phẫu học cơ chế piston
Để hiểu hơn về cơ chế tiếp mực piston, bạn hãy liên tưởng đến cơ chế bơm mực converter. Nếu converter là bộ phận rời có thể tháo lắm, thì trong những cây bút có cơ chế piston, toàn thân bút sẽ được biến thành một khoang rỗng để chứa mực. Và bạn chỉ cần xoay phần đuôi bút (tương ứng với phần trục xoay trên converter) để bơm mực vào.
Dưới đây là hình vẽ mô tả cơ chế tiếp mực piston trên hay chiếc bút Lamy 2000
Trông có giống một chiếc converter size bự hông nè?
Với ưu điểm là chứa được lượng mực lớn mà vẫn hạn chế tình trạng bị rò rỉ mực ra ngoài. Cùng với việc vệ sinh đơn giản khi bút chỉ gồm ba bộ phận là thân, cụm ngòi và nắp, vì thế cho đến tận bây giờ, dù đã trải qua hơn một thế kỷ, cơ chế piston vẫn được sử dụng phổ biến trên các dòng bút máy, đặc biệt là các dòng bút từ trung cấp trở lên.
C. Hướng dẫn vệ sinh bút
Lâu lâu có bạn lại nhắn tin hỏi Bin là làm sao để rửa bút dùng cơ chế bơm mực piston, hoặc đôi khi mang hẳn bút qua tiệm nhờ tụi mình làm sạch giúp luôn. Tuy không thể nhìn thấy các hết các bộ phận bên trong như bút dùng converter, nhưng bút dùng piston cũng dễ rửa sạch lắm nè. Các bạn cứ làm theo những bước dưới đây nghen:
Bước một: Bạn chuẩn bị một (hoặc hai) ly nước sạch và mở nắp bút nha.
Bước hai: Xoay phần đuôi bút lên trên theo hướng ngược chiều kim đồng hồ để đẩy hết mực bên trong ra ngoài nè.
Khi xoay đúng thì đuôi bút sẽ có một khoảng hở với thân như hình dưới này a.
Bước ba: Sau khi đã đẩy hết mực, tụi mình cùng xoay đuôi bút lần nữa, nhưng lần này là theo hướng xuống cùng chiều kim đồng hồ để bơm nước sạch vào bút nhen. Và cứ tiếp tục lặp lại thao tác xoay để đẩy – bơm đó cho đến khi nào thấy nước trong.
Bước bốn: Tháo rời phần cụm ngòi ra để ngâm vào nước. Lưu ý ở đây là đối với một số dòng bút như Lamy 2000, tụi mình có thể tháo rời cả cụm ngòi và phần grip section (nơi đặt ngón tay) nữa. Và tiếp đó bạn ngâm và thay nước cho đến khi thấy nước sạch nha.
Một lưu ý nhỏ là đối với những bút có chi tiết nhỏ (như vòng khuyên của Lamy 2000 trong hình) thì bạn cẩn thận một xíu nha.
Tadaaa! Sau những bước ở trên thì bạn đã rửa xong chiếc bút rồi nè. Tiếp đó bạn dùng khăn giấy hoặc vải mềm lau thân bút và ngòi nhen. Bạn cũng có thể để gói lại và đặt trên giấy, để nơi khô ráo tầm vài tiếng cho đến khi các phần đã khô hoàn toàn. Cuối cùng thì chúng ta có thể gắn lại bút và sử dụng rồi.
Thế là ở trên, các bạn đã có được một số thông tin cơ bản để hiểu thêm cơ chế piston. Và Bin nghĩ việc hiểu được chúng cũng sẽ giúp bạn phần nào hiểu hơn về chiếc bút của mình, để việc bảo quản và vệ sinh bút được dễ dàng hơn. Hẹn gặp các bạn trong những bài blog tiếp theo của Bin nha.
Các bạn có thể xem thêm bài blog về các cơ chế tiếp mực khác tại đây nghen: Có mấy anh em “cơ chế tiếp mực” và bạn là người chơi hệ nào vậy cà?
Bài viết có tham khảo từ quyển Stationery Fever: From Paper Clips to Pencils and Everything In Between của John Z. Komurki